Cội nguồn bánh quê là những bước đi đầu tiên, hình thành thói quen ăn bánh và nghề làm bánh; ghi đậm dấu ấn văn hóa ẩm thực trên vùng đất phương nam.
Ăn bánh trong gia đình xưa Ảnh: Sưu tầmBuổi đầu tiên những chiếc bánh quê trên vùng đất mới
Không biết từ khi nào, trên vùng đất phương Nam đã phổ biến những câu ca dao về bánh:
Tay bưng cái dĩa bánh bò
Giấu cha giấu mẹ cho trò đi thi
Từ việc mượn cái bánh để giao duyên, dân gian còn cường điệu, cho thấy loài chim cũng mê ăn bánh:
Con quạ nó đứng chuồng heo
Nó kêu bớ má bánh bèo chín chưa?
Có thể nói, ngay từ thời khẩn hoang, mở đất, hình thành ruộng, vườn, làng, thôn, xóm, ấp...thì "bánh - trái" đã là loại sản phẩm thiết thân với con người. "Trái" thì sẵn có ở vườn nhà, còn “bánh” thì cũng không khó lắm để làm ra, bởi nguyên liệu rất dồi dào đâu đâu cũng có – Thế nhưng, cầm chiếc bánh ăn ngon miệng, có khi nào ta tự hỏi về cội nguồn của nó – Nhất là sự hình thành thói quen ăn bánh, nghề làm bánh và quá trình bước ra thị trường của những chiếc “bánh quê”, mà nay ta gọi là Bánh dân gian Nam bộ (BGDNB).
Đôi nét về cội nguồn…
Các thư tịch cổ ghi nhận: Trong công cuộc Nam tiến, khẩn hoang mở đất – ngoài vốn liếng là vật lực, tài lực và sức lực để khai phá cất trồng, làm nên của cải vật chất, ông cha ta còn mang theo cả hành trang về văn hóa. Để rồi, phát huy công nghệ sẵn có, cộng với sự vận dụng những điều kiện tại chỗ; đồng thời qua giao thoa văn hóa với các dân tộc, trong quá trình cộng cư – các thế hệ tiền nhân đã sáng tạo nên nhiều giá trị mới, mà những chiếc bánh là minh chứng rõ nét: Đòn bánh tét có cội nguồn là cái bánh chưng, từ thời Hùng Vương, cái bánh đa miền Bắn và cái bánh tráng trong Nam có nhiều điểm tương thành bánh xèo quen thuộc. Qua giao thoa văn hóa: bánh bò, bánh lọt, bánh bông lan…vừa mang đậm nét Việt, vừa phảng phất sắc thái ẩm thực người Hoa. Người Việt ăn cốm dẹp để thưởng thức hương vị nếp đầu mùa, còn bà con Khmer thì dung làm vật thiêng trong lễ hội. Song song đó, người Chăm cũng làm bánh gừng để dâng cúng giống như người Khmer v.v…
Sự ra đời của các loại bánh, trước tiên là đáp ứng nhu cầu ăn ngoài gia đình, ở chỗ không có điều kiện nấu nướng. Vào rừng khẩn đất vài ba hôm, người ta mang theo đòn bánh tét vì bánh tét no dai để được lâu ngày. Đi phát cỏ thì đã có món xôi cho buổi đứng.
Bánh trong sinh hoạt gia đình
Dần dần, các thứ bánh được chọn làm món ăn giặm trong ngày hay để ăn chơi khi ‘buồn miệng”, kể cả ăn thay cơm. Cứ mười bữa, nữa tháng bà nội trợ lại nắn bánh nắn, hoặc chà bánh lọt cho cả nhà ăn, nhất là lũ trẻ. Vài ba ngày lại được thưởng thức món chè đậu, chè khoai. Đáng kể, lâu lâu bà nội trợ bày biện đủ thứ nguyên phụ liệu để đổ bánh xèo, xắt bánh canh ăn thay cơm bữa chính.
Do ở xa quê, xa chợ lại dư thừa gạo nếp, dừa, khoai, đậu…nên việc làm bánh, ăn bánh trở thành nếp sống thường nhựt trong gia đình. Hôm nào có làm bánh , cả nhà vui như hội, người thì ngâm gạo xay bột, kẻ đi rọc lá chuối, hái lá mơ hay nổi lửa thắng nước cốt dừa v.v… Bánh như là món quen thuộc, không chỉ làm no bụng mọi người mà còn là nguồn dinh dưỡng bổ ích, cung ứng thêm năng lượng cho người lao động.
Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (1982) trong phong tục chí ghi nhận lối sinh hoạt của cư dân phương Nam là hay ăn bánh gạo nếp: “Ở Gia Định, khách đến nhà thì mời trầu trước, thết nước chè rồi đến ăm cơm, ăn bánh…”. Như vậy, cách đây hàng trăm năm thói quen ăn bánh của mọi người đã hình thành trên vùng đất mới.
Từ thói quen ăn bánh đã tạo thói quen làm bánh. Những bà nội trợ - người phụ nữ trong nhà đều được truyền dạy cách làm các thứ bánh đơn giản cho đến cầu kỳ, phức tạp. Trong các dịp giỗ chạp, cưới xin, các cô gái trổ tài làm bánh dâng cúng tổ tiên, loại bánh nào ngon, mẫu đẹp được khen ngợi, có khi được các chàng trai “để mắt”; bậc cô, bác chọn dâu.
Cho đến những thập niên cuối thế kỷ XX, hầu hết các gia đình ở nông thôn Nam Bộ vẫn còn thói quen làm bánh, ăn bánh tại nhà; giữ các kiểu đội thúng xôi cho thợ gặt, thợ cấy lao động ngoài đồng ruộng. Ngày thường thì làm bánh nắn, bánh xếp, bánh đúc, bánh lọt, bánh xèo. Đám cưới thì xúm lại nướng bánh kẹp, bánh bông lan, gõ bánh in. Đám giỗ thì gói bánh ít; đám thôi nôi, đầy tháng mới nấu chè, xôi. Đến bất cứ một nhà nào ở vùng quê , người ta cũng bắt gặp những công cụ làm bánh như: Cái cối xay bột, cái bàn nạo dừa, bàn chà bánh lọt hày cái xửng bánh hấp bánh.
Vào dịp Tết, mùng năm tháng năm hay các lễ cúng kỳ yên đình làng, còn là những ngày hội bánh đầm ấm và náo nhiệt. Vì những chiếc bánh không chỉ là vật dâng cúng đất trời, gia tiên, thần linh mà còn chứng minh cho năng khiếu “nữ công gia chánh” của các cô gái, để lọt vào tầm ngắm của các chàng trai.
Bước qua tháng chạp, các nhà lân cận góp nếp, hùn công để quết bánh phồng, tối ba mươi cả nhà quay quần nấu nồi bánh tét, chờ cúng giao thừa. Ngày Tết, trẻ em được ăn bánh thỏa thích, no nê, đôi khi không cần ăn cơm.
AZ Bánh – Bánh dân gian xưa và nay.
Nguồn: trích sách Tìm hiểu Bánh dân gian Nam bộ (Soạn giả: Nhâm Hùng)
Bánh dân gian bếp nhà AZ Bánh được 'khoác lên mình' chiếc áo mới
AZ Bánh - Bánh dân gian xưa và nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét